MẮC BỆNH RỒI CÓ THAM GIA BẢO HIỂM NHÂN THỌ ĐƯỢC KHÔNG ??
Xin chào các bạn, mình là Thu Hiền - Chuyên Viên Tư Vấn Bảo Hiểm Nhân Thọ Generali. Ngày hôm nay mình muốn chia sẻ với các bạn về một tình hình thực tế khi làm hồ sơ như sau. Hầu hết khách hàng tham gia bảo hiểm thì bản thân đã có một đến hai bệnh trước đó. Vậy thì những bệnh nào sẽ không được mua bảo hiểm ??
Thực tế thì không có một quy định nào quy định cụ thể về các bệnh không được tham gia bảo hiểm nhân thọ, bởi vì các công ty bảo hiểm nhân thọ sẽ dựa vào tiền sử bệnh, quá trình điều trị, tình trạng sức khỏe cụ thể của khách hàng khi nộp hồ sơ yêu cầu bảo hiểm, để họ đưa ra những quyết định có được bảo hiểm hay không. Chính vì vậy những khách hàng đã có tiền sử bệnh vẫn có thể tham gia, nhưng còn tùy thuộc vào mỗi một thời điểm, mỗi một đối tượng khách hàng, mỗi một công ty bảo hiểm cũng sẽ có những quyết định khác nhau. Tất nhiên đối với những bệnh nặng thì tất cả các công ty bảo hiểm đều sẽ từ chối bảo hiểm như ung thư giai đoạn cuối, HIV, đột quỵ, suy thận, nhồi máu cơ tim, viêm não…
Vì bản chất của Bảo hiểm nhân thọ là bảo vệ trước những rủi ro không lường trước được, nên những bệnh nặng đã có trước sẽ gây nguy hiểm đến sức khỏe tính mạng của người tham gia. Nhân viên tư vấn không phải là nhân viên y khoa, nên có một số bệnh đã có trước rồi, thì tư vấn viên không thể quyết định được ngay là khách hàng có được bảo hiểm hay không, mà còn tùy thuộc vào bộ phận thẩm định của công ty bảo hiểm. Đối với những bệnh có trước thì sau khi thẩm định công ty bảo hiểm sẽ đưa ra 1 trong 5 quyết định sau đây :
1. Chấp thuận bảo hiểm với phí chuẩn.
Khách hàng phải đáp ứng được tuổi tác, nghề nghiệp, sức khỏe, tài chính, và được công ty chấp thuận bảo hiểm với phí chuẩn.
2. Chấp thuận bảo hiểm nhưng loại trừ bệnh.
Có một cách giải quyết mà đa số các công ty bảo hiểm thường hay áp dụng đối với những bệnh có sẵn, đó là khách hàng vẫn được tham gia nhưng loại trừ bệnh và các biến chứng liên quan. Điều này đồng nghĩa là khi điều trị bệnh có sẵn và điều trị các biến chứng liên quan đến bệnh có sẵn thì sẽ ngoài phạm vi bảo hiểm. Trong trường hợp này công ty sẽ đưa ra thư điều kiện bằng văn bản về phạm vi loại trừ và lý do loại trừ cho người tham gia
3. Chấp thuận bảo hiểm nhưng tăng phí
Đối với những bệnh có rủi ro cao nhưng vẫn đủ điều kiện được bảo hiểm thì công ty bảo hiểm sẽ chấp thuận và quyết định tăng phí. Mức phí tăng tùy theo sản phẩm và công ty bảo hiểm mà khách hàng tham gia, có thể tăng phí theo tỷ lệ phần trăm của bảng phí chuẩn hoặc tăng phí theo số tiền bảo hiểm của hợp đồng. Trường hợp này cũng sẽ được công ty trả lời bằng văn bản đến người tham gia bảo hiểm
4. Tạm hoãn.
Công ty bảo hiểm sẽ áp dụng chính sách tạm hoãn chấp thuận hồ sơ yêu cầu bảo hiểm với những trường hợp mắc bệnh cần thời gian hoặc quá trình điều trị để theo dõi tình trạng và kết luận của bác sĩ. Thông thường thời gian tạm hoãn sẽ dao động từ 1 tháng đến 12 tháng, phụ thuộc vào chính sách của từng công ty và loại bệnh mà khách hàng đã mắc. Sau thời gian hoãn nếu sức khỏe ổn định hoặc có tiến triển tốt không tái phát thì khả năng cao sẽ được công ty bảo hiểm chấp thuận bảo hiểm
5. Từ chối bảo hiểm.
Ngoài những điều kiện tham gia bảo hiểm chính như tuổi tác, nghề nghiệp, tài chính, yếu tố sức khỏe là điều kiện rất quan trọng.
Nếu không may mắc phải bệnh nặng như một số bệnh kể trên thì công ty bảo hiểm nhân thọ có thể từ chối bảo hiểm mà không cần thẩm định.
Tổng kết :
Điều quan trọng nhất trong suốt quá trình tham gia bảo hiểm nhân thọ đó là bạn nên kê khai một cách trung thực, đặc biệt là tình trạng sức khỏe trong hồ sơ yêu cầu bảo hiểm. Công ty bảo hiểm sẽ căn cứ vào các thông tin bạn kê khai để ra một trong năm quyết định kể trên. thậm chí cần phải kê khai đầy đủ cả tình trạng sức khỏe của những người thân trong gia đình vì có một số bệnh có yếu tố di truyền. Không nên kê khai thiếu trung thực vì nếu sau này sự kiện bảo hiểm xảy ra, thì chính các thông tin bạn kê khai sẽ khiến bạn bị mất quyền lợi chi trả, và điều này cũng vô tình làm mất đi giá trị nhân văn của Bảo hiểm nhân thọ, khiến người tham gia mất niềm tin cũng như lãng phí thời gian với công sức.